Nhạc sĩ Vinh Sử là một nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn như vậy trong cộng đồng dân tộc nhưng lại xuất thân khiêm tốn. Ông sanh năm 1944 ở Sài Gòn trong một gia đình lao động di cư từ Hà Tây vào Nam từ những năm trong thập niên 1940s. Ông là người duy nhứt trong gia đình 4 người con được đi học chữ, và đi học lúc gần 10 tuổi. Nhưng vì có năng khiếu bẩm sinh nên ông được nhận Trường Quốc gia Âm nhạc vào học nhạc. Tuy nhiên, chỉ học một thời gian ngắn thì bị đuổi vì ông nói là ham chơi và hay “cúp cua” (trốn học). Thế nhưng trong môi trường ‘tự do’ ngoài trường lớp, ông sáng tác 2 bài ‘Yêu người chung vách’ và ‘Nhẫn cỏ cho em’ đã giúp ông thoát nghèo, và có nhà lầu xe hơi.
Nhẫn cỏ cho em
Một cây đại thụ nhạc sến bình dân vừa qua đời, đó là nhạc sĩ Vinh Sử.
“Người ta cho em gấm lụa, còn anh cho em nhẫn cỏ. Tình anh chắc em đã rõ…”
Ông Vinh Sử sống gần nhà tôi, ở xóm làm giày đường Hai Mươi Thước, quận 4.
Hồi tôi còn học sinh, nhạc sĩ thường ra sạp báo của cậu tôi để mua báo. Ông thường xuyên ở trần, mặc quần đùi, phơi cái bụng phệ. Da dẻ đen đúa, miệng cười nhẹ thường trực. Nhiều khi vừa đi vừa lẩm lẩm. Phong cách rất bình dân của người trong xóm lao động, chẳng có vẻ gì của một nhà nghệ sĩ danh tiếng.
Cũng như nhiều nghệ sĩ miền Nam trước đây, tài năng bẩm sinh mà có chứ không qua đào tạo trường lớp. Và chính vì vậy mà mỗi nghệ sĩ thể hiện phong cách độc đáo riêng.
Chuyện kể rằng sau 1975, ông bị chính quyền cách mạng bắt đi học tập cải tạo vì trong nhà có treo ảnh phụ nữ sexy. Khi bị bắt, ông nói đó là hình của vợ ông. Vợ thì vợ, bắt thì cứ bắt. Tàng trữ văn hóa đồi trụy. Hơn nữa, ông lại là nhạc sĩ, chuyên môn sáng tác nhạc ủy mị, đầu độc tuổi trẻ, người ta nói vậy. Ông bị đi cải tạo một thời gian không rõ bao lâu thì về, sống trong thầm lặng, nghèo khổ. Nghe kể ông có nhiều vợ nhưng không ai ở với ông vì ông quá nghèo.
Về sau, khi luật bản quyền được thực thi, những ca sĩ hát nhạc của ông phải trả phí bản quyền nên ông bắt đầu có tiền kha khá, có tiền chữa bệnh ung thư đại tràng.
Theo quy luật cuộc đời thì ông đã đến ngày trở về với… cỏ cây. Biết đâu ông lại hóa thân vào một chiếc nhẫn cỏ nào đó.
Tiễn biệt người nghệ sĩ tài hoa, bình dân và gần gũi. Ông đã góp phần tạo nên tâm hồn của người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung. Thân xác mất nhưng những tác phẩm của ông vẫn còn mãi trong tâm trí của nhiều người.
BS. Phan Xuân Trung